Ngôi nhà là tác phẩm nghệ thuật của người kiến trúc sư nhưng để phục vụ cho... chủ nhà! Chủ nhà thuận mua là phải tin tưởng hoàn toàn vào giải pháp xử lý của kiến trúc sư, phải hợp tác, trình bày tất cả mọi nhu cầu, sở thích thì kiến trúc sư mới có thể sáng tác được tác phẩm.
Kiến trúc sư thuận bán là phải được trả công xứng đáng, phải được tôn trọng và có điều kiện để sáng tạo.
Giá theo gói và theo thương hiệu
Một hồ sơ thiết kế kiến trúc cơ bản đầy đủ bao gồm nhiều bộ hồ sơ thiết kế nhỏ như hồ sơ kiến trúc, hồ sơ kết cấu, hồ sơ điện nước. Ngoài ra chủ nhà có thể làm thêm hồ sơ thiết kế nội thất. Giá thiết kế trong hợp đồng còn phụ thuộc phần giám sát, theo dõi bảo hành... Nếu kiến trúc sư đi giám sát theo lịch định kỳ thì giá sẽ khác, còn chỉ đi khi nào cần thì giá sẽ khác.
Mức giá thiết kế phí theo quy định Nhà nước là 3% giá trị của công trình nhưng thực tế, thị trường có những điều chỉnh riêng.
Giá hiện tại với các kiến trúc sư có tên tuổi, hoạt động lâu năm, có công ty sẽ có mức giá khoảng 10% giá trị công trình và nằm trong khoảng 350.000 - 400.000đồng/m2 cho hồ sơ thiết kế kiến trúc nhà ở. Thông thường hồ sơ của họ sẽ được một êkip các kỹ sư có kinh nghiệm vẽ và tính toán với mức độ đáng tin cậy.
Các kiến trúc sư hoạt động tự do, có kinh nghiệm nhưng không có công ty, mức giá thấp hơn một chút do không tốn nhiều chi phí như mặt bằng, quản lý công ty...
Các kiến trúc sư trẻ mới ra trường, thường lấy giá thấp hơn, chỉ khoảng 120.000 - 160.000đồng/m2 xây dựng.
Từ giai đoạn sơ giá, đặt vấn đề thiết kế trước khi đi đến hợp đồng chính thức, thông thường kiến trúc sư sẽ cung cấp hồ sơ sơ bộ bao gồm bản vẽ mặt bằng, mặt tiền và mặt đứng công trình. Lúc này, chủ nhà thường phải ứng trước khoảng 10 - 20% tổng giá trị hợp đồng. Cũng có trường hợp kiến trúc sư không lấy số tiền này. Các công ty làm ăn bài bản thường giao ước rõ ràng với khách các khoản chi phí này.
Những năm gần đây, trong hồ sơ thiết kế một ngôi nhà, hồ sơ thiết kế nội thất thường được tách thành gói dịch vụ độc lập với mức giá nằm trong khoảng 30 - 50% giá trị toàn hồ sơ. Đây là dấu hiệu của thị trường thiết kế ngày càng chuyên nghiệp hơn. Người tiêu dùng cũng đã trả tiền cho thiết kế nội thất - việc mà trước đây vài năm khó có thể lấy tiền được.
Thiết kế - thi công riêng hay "2 in 1"?
Còn có một vấn đề lớn khách hàng thường đặt câu hỏi là lúc chọn xây nhà nên chọn nhà thiết kế riêng, thi công riêng hay chọn nhà thiết kế và thi công là một. Nếu khách hàng chọn được công ty có uy tín đã có sản phẩm tốt trên thị trường có kiểm chứng thì có thể chọn chung một đơn vị. Nhưng thông thường các nhà chuyên môn tư vấn nên chọn độc lập, để người thiết kế sẽ theo dõi và giám sát thiết kế chặt chẽ và có tính khách quan hơn khi họ độc lập với nhà thi công. Khách hàng nên tham khảo ý kiến nhà thiết kế khi chọn nhà thầu thi công vì họ sẽ có kinh nghiệm và biết các nhà thầu có chất lượng.
Trên thị trường cũng có tình trạng giá thiết kế lộn xộn. Một số công ty thường dùng bản thiết kế hồ sơ mẫu rồi đưa cho khách hàng xem và lựa chọn. Căn cứ trên ý thích của chủ nhà là lấy chút mặt tiền của căn nhà này, chi tiết phòng ngủ chỗ kia... chắp vá để vẽ lại một hồ sơ theo dạng "xào bài". Những khách hàng chọn lựa cách làm này thường là eo hẹp tiền hoặc chưa nắm vững được dịch vụ tư vấn, thiết kế. Các kiến trúc sư, công ty tư vấn - thiết kế có tên tuổi cũng không dùng cách này. Gần đây, tình trạng này cũng bớt do khách hàng ngày càng hiểu biết và khôn ngoan hơn.
Trong xây nhà cũng có nhiều trường hợp trục trặc do thiết kế. Ví dụ nhà thi công nửa chừng phải dừng lại, để sửa thiết kế, do khi vẽ người thiết kế và chủ nhà muốn những cái khác lạ nhưng trên thực tế khó thực hiện những ý tưởng đó. Hồ sơ bản vẽ cũng dẫn đến ngộ nhận, với tiến bộ của công nghệ vẽ 3D nên một số hồ sơ vẽ rất đẹp và bóng bẩy nhưng khi thi công thì sẽ có những vấn đề về không gian hay công năng không tiện dụng. Trong thực tế có rất nhiều trục trặc xảy ra do khi thiết kế thiếu kinh nghiệm sẽ xảy ra những vấn đề phải đập phá và sửa khi thi công.
Để thuận mua thuận bán, khách hàng khi lựa chọn xây nhà nên tìm hiểu thông tin nhiều chiều như trên phương tiện thông tin, xem xét uy tín của công ty, người thiết kế, thi công. Nên xem các công trình thực tế và lắng nghe những chủ nhà đó, học hỏi kinh nghiệm mà họ đã trải qua!